Có rất nhiều lý do chính đáng để tập thể dục mỗi ngày. Những tác dụng chính của việc tập thể dục bao gồm giảm tỷ lệ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường, giảm cân, giảm huyết áp, ngăn ngừa trầm cảm,... Đặc biệt, tập thể dục còn thay đổi não bằng cách cải thiện trí nhớ và kỹ năng tư duy.
1. Ảnh hưởng của tập thể dục đối với trí não
Tập thể dục có nhiều tác dụng đối với trí nhớ và tư duy. Lợi ích của việc tập thể dục là làm giảm đề kháng insulin, giảm viêm và kích thích giải phóng các yếu tố tăng trưởng - các hóa chất trong não ảnh hưởng tới sức khỏe tế bào não. Bên cạnh đó, chúng cũng kích thích sự phát triển các mạch máu mới trong não, tăng cường sản sinh tế bào não mới.
Những tác dụng của tập thể dục đối với não bộ, bao gồm:
Tăng cường sự tập trung: Theo nghiên cứu, IAPF (một phần của xét nghiệm điện não đồ) đo khả năng tập trung và chú ý đã tăng lên sau khi tập thể dục cường độ cao. Tuy nhiên, khả năng tập trung không thay đổi nhiều sau các bài tập ở trạng thái ổn định như chạy chậm hoặc đạp xe;
Cải thiện trí nhớ: Các bài tập vận động như đi bộ, chạy bộ hoặc làm vườn có thể giúp hồi hải mã của não (phần liên quan tới trí nhớ và học tập) phát triển. Ngoài ra, tập thể dục còn làm chậm sự co lại của hồi hải mã - tình trạng có thể dẫn đến mất trí nhớ khi già đi;
Giảm trầm cảm, lo âu: Tập aerobic làm dịu các triệu chứng trầm cảm và lo lắng. Vì vậy, các bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân bị trầm cảm, lo âu tập thể dục như một phương pháp điều trị. Nguyên nhân vì tập thể dục làm chậm quá trình tổn thương và phá vỡ các tế bào não. Việc tập luyện trong thời gian dài, tạo thành thói quen sẽ rất có ích cho người bị trầm cảm;
Giúp não linh hoạt hơn: Tập thể dục giúp não bộ linh hoạt hơn trong việc học hỏi và trải nghiệm những điều mới;
Tránh sa sút trí tuệ: Những người ít tập thể dục có nhiều khả năng mắc bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Một phần vì tập thể dục có thể ngăn ngừa nhiều bệnh lý có liên quan tới chứng sa sút trí tuệ như béo phì, tiểu đường, huyết áp cao, trầm cảm,...;
Tăng cường lưu thông máu: Tập aerobic giúp đưa máu lên não. Việc vận động giúp tim và mạch máu khỏe hơn, đưa máu từ các mạch máu lớn đến các mạch máu siêu nhỏ trong não. Các mạch máu khỏe và lưu lượng máu được tăng cường tới não giúp ngăn chặn nguy cơ sa sút trí tuệ;
Cải thiện chức năng điều hành của não bộ: Nghiên cứu cho thấy việc tập thể dục giúp cải thiện khả năng sắp xếp và giải thích thông tin của não - chức năng điều hành. Về lâu dài, tập thể dục có thể thay đổi cấu trúc của chất trắng trong não, giúp các tế bào não liên kết với nhau;
Giúp ngủ ngon hơn: Tập thể dục giúp người tập giữ một tâm trạng ổn định và thư giãn trước khi đi ngủ. Đồng thời, nó thiết lập một chu kỳ thức - ngủ lành mạnh (nhịp sinh học khoa học). Những người tập thể dục nhiều hơn có xu hướng ngủ sâu, giúp hồi sinh trí não và cơ thể.
Tập thể dục đem lại những lợi ích to lớn cho não bộ của người tập
2. Tập thể dục như thế nào để tốt cho não bộ?
Các bác sĩ khuyến nghị nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải vào hầu hết các ngày trong tuần. Nếu tăng thời gian tập luyện thì có thể mang lại nhiều lợi ích hơn. Nghiên cứu cho thấy những buổi tập thể dục kéo dài 45 - 60 phút sẽ mang lại lợi ích lớn nhất. Nếu chưa quen với cường độ vận động nặng, người tập có thể bắt đầu tập luyện vài phút mỗi ngày rồi tăng dần thời lượng cho tới khi đạt mục tiêu.
Có các bài tập có cường độ trung bình như đi bộ, bơi lội, leo cầu thang, khiêu vũ, quần vợt,... Ngoài ra, các hoạt động trong gia đình như lau sàn, làm vườn,... cũng là một hình thức vận động.
Một số lưu ý khác:
Nếu không muốn tập luyện một mình vì thiếu tính tự giác, người tập có thể tham gia lớp tập aerobic hoặc tập luyện cùng với bạn bè, người thân;
Theo dõi tiến trình luyện tập để đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu;
Thường xuyên tham khảo tư vấn của huấn luyện viên.
Tập thể dục mỗi ngày không chỉ có tác dụng phòng ngừa nhiều bệnh lý trên cơ thể, giúp làm đẹp vóc dáng mà còn có ảnh hưởng tích cực đến não bộ. Khi tập thể dục, mỗi người cần tự giác và kiên trì, rèn cho mình thói quen hoạt động thể chất thường xuyên.