Vượt qua sự mệt mỏi bằng cách nào?

Nếu gần đây bạn cảm thấy mệt mỏi thường xuyên và kéo dài, bạn có cần đi khám bệnh không hay có cách nào khác đối phó với tình trạng này?

 

Mệt mỏi là triệu chứng khá phổ biến và có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, có thể điểm danh một số thủ phạm chính thường gây ra tình trạng mệt mỏi này.

 

Các yếu tố gây mệt mỏi

Sự căng thẳng: Khoảng thời gian này ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 có thể gây những căng thẳng nhất định (áp lực kinh tế gia tăng, tăng thêm công việc, chăm sóc con cái, giảm cơ hội việc làm...). Và căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến mệt mỏi. Khi cơ thể căng thẳng, mức cortisol tăng lên, có thể gây cảm giác lo âu, các vấn đề về giấc ngủ cũng như các triệu chứng khác.

 

Thay đổi nội tiết tố: Sự thay đổi nội tiết tố cũng có thể góp phần làm thay đổi quá trình trao đổi chất và rối loạn giấc ngủ, dẫn đến mệt mỏi.

 

Các vấn đề liên quan đến tuyến giáp: Khi tuyến giáp hoạt động kém và sản xuất không đủ lượng hormone tuyến giáp (suy giáp), khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, cùng với các triệu chứng khác. Phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh tuyến giáp hơn nam giới và tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi tác. Gần 20% phụ nữ trên 65 tuổi có tuyến giáp hoạt động kém.

 

 

Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống thiếu cân bằng, dẫn đến thiếu hụt vitamin có thể làm tiêu hao năng lượng của bạn. Mệt mỏi đôi khi cũng do thói quen uống ít nước khiến cơ thể mất nước.

 

Rối loạn giấc ngủ: Nguyên nhân rõ ràng nhất gây mệt mỏi là ngủ không đủ giấc. Ngoài các lý do kể trên, nhiều khi đây là kết quả của thói quen thức khuya, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh quá nhiều. Những người có công việc đòi hỏi phải thức đêm cũng gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian nhất quán để đạt được giấc ngủ sâu và thư thái. Ngủ không đủ giấc cũng có thể bởi mất ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém do căng thẳng, hoặc rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như chứng ngưng thở khi ngủ.

 

Bệnh lý và dùng thuốc: Mệt mỏi có thể là triệu chứng ở những người bị trầm cảm. Nhiều bệnh lý như nhiễm trùng, thiếu máu, bệnh tim, bệnh thận mạn tính, ung thư, bệnh thần kinh và bệnh tự miễn dịch cũng gây ra mệt mỏi. Một số loại thuốc cũng có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng, buồn ngủ.

 

Vượt qua mệt mỏi bằng biện pháp tự nhiên

 

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi kéo dài, hãy cố gắng xác định nguyên nhân và sau đó thử nghiệm các giải pháp sau đây:

 

Thay đổi lối sống: Hãy cải thiện chế độ ăn uống của bạn và tập trung thực hiện các biện pháp đảm bảo giấc ngủ tốt vào ban đêm như đi ngủ vào giờ nhất định, tránh các thiết bị điện tử ít nhất 2 giờ trước khi ngủ...

 

Tập thể dục đều đặn: Nếu sự thay đổi khó khăn với bạn, hãy bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ để dễ đạt được. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu bằng cách tập thể dục 2-3 phút mỗi ngày, sau đó vài ngày tăng lên 5 phút và sau đó là 10 phút. Hoạt động thể chất nhiều hơn trong ngày cũng sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn vào ban đêm.

 

Kiểm tra thuốc của bạn: Sự mệt mỏi, uể oải trong ngày có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc mà bạn đang dùng. Nếu bạn dùng một loại thuốc mới và đột nhiên cảm thấy mệt mỏi, hãy liên hệ với bác sĩ để kiểm tra tác dụng phụ và đổi thuốc nếu có thể.

 

Giảm căng thẳng: Sức khỏe tinh thần của bạn nên được ưu tiên. Thực hành thiền chánh niệm và các biện pháp giảm căng thẳng có thể hữu ích.

 

Gặp bác sĩ: Tuy nhiên, không phải tất cả các nguyên nhân gây mệt mỏi đều có thể tự điều trị được. Nếu sự mệt mỏi bao gồm các triệu chứng nghiêm trọng hoặc dai dẳng hoặc cản trở khả năng hoạt động của bạn, hãy đến bác sĩ để được kiểm tra.

BS. Nguyễn Thị Thu Hà

TAGS :

Sản phẩm đã thêm vào giỏ hàng

NHÀ THUỐC VIETCARE84

Số lượng:

icon-cart0 Giỏ hàng có sản phẩm

Phí vận chuyển: Tính khi thanh toán

Tổng tiền giỏ hàng:

Hotline tư vấn